Chị gái của Bác Hồ – người có biệt hiệu Bạch Liên nữ sĩ
Cô Nguyễn Thị Thanh là con gái đầu lòng của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan, cô sinh năm Giáp Thân (1884), mất năm Giáp Ngọ (1954). Cô là chị gái của Bác Hồ, sinh ra tại làng Hoàng Trù, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Cô Nguyễn Thị Thanh – chị gái của chủ tịch Hồ Chí Minh
Vốn được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống Nho giáo, nguồn gốc nông dân và ngay từ thuở nhỏ cô đã được tiếp thu vốn truyền thống yêu nước thương người của cả hai bên gia đình nội ngoại. Tuy không được đi học trường chữ Hán nhưng cô Nguyễn Thị Thanh cũng tự trang bị cho mình được vốn kiến thức Hán học khá uyên thâm, đặc biệt cô có vốn hiểu biết về nền y học dân tộc và cô đã áp dụng vốn hiểu biết của mình để cứu chữa bệnh cho nhiều người.
Có thể nói rằng ngoài vốn hiểu biết, kiến thức sâu rộng thì cô Nguyễn Thị Thanh còn là người con gái đoan trang, đảm đang, bản tính lo toan, thu vén cho gia đình của cô đã được bộc lộ ngay từ thuở nhỏ.
Năm cô Nguyễn Thị Thanh được 11 tuổi – 1895, thân sinh của cô là ông Nguyễn Sinh Sắc vào kinh thành Huế dự thi đã ngỏ ý nhờ mẹ cô vào cùng hỗ trợ. Bà Hoàng Thị Loan vâng lời chồng đã đưa 2 em của cô vào kinh thành Huế, gửi lại cô cho bà ngoại là Nguyễn Thị Kép nuôi dưỡng. Lúc này bà ngoại đã ngoài 60, dì cô là Hoàng Thị An đã lấy chồng nên một mình cô lo toan, đỡ đần bà ngoại trong hầu hết các công việc gia đình.
Đến năm cô được 17 tuổi – 1901 thì mẹ mất vì bạo bệnh sau khi sinh người con thứ 4 là Nguyễn Sinh Xin được mấy tháng, lúc này cha cô đưa cả 3 con về lại quê Nam Đàn cậy nhờ, do lo lắng việc nước nên ông thường xuyên đi đó đây để tìm những người đồng chí cùng chí hướng, luận bàn thời cuộc. Một tay cô Nguyễn Thị Thanh vừa lo quán xuyến công việc trong gia đình, vừa chăm sóc các em là Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung cùng với đứa em mới chào đời là Nguyễn Sinh Xin còn đang khát sữa mẹ. Nhưng do đau ốm, một thời gian ngắn sau người em út của cô cũng qua đời.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của cô Nguyễn Thị Thanh
Đến năm 1906 khi cô Thanh 22 tuổi thì ông Nguyễn Sinh Sắc quay trở lại Huế nhận chức Thừa biện bộ lễ, cô Thanh xin phép cha được ở lại quê nhà trông nom nhà cửa, vườn tược. Và cũng từ thời gian này cô bắt bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước cùng với Đội Quyên, Ấm Võ.
Vốn dĩ cô Thanh là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vừa xinh đẹp lại giỏi giang, đảm đang, thông minh nên những người theo đuổi muốn kết nghĩa trăm năm với cô đếm không xuể. Đa phần đều xuất thân dòng dõi, giàu có đã đậu Tú tài hoặc Cử nhân nhưng cô đều khéo léo từ chối để chuyên tâm hoạt động với công việc cứu nước. Cô Thanh có mối liên hệ chặt chẽ với nhà yêu nước Phan Bội Châu từ khi cô hoạt động trong Đội Quyên, Đội Phấn cô phụ trách liên lạc, quyên góp tiền cho nghĩa quân và phong trào Đông Du.
Cuối năm 1910 khi cô 26 tuổi, cô bị thực dân Pháp đón bắt ngay giữa đường, cô đã nhanh chóng thủ tiêu tài liệu mang theo. Không thu được bằng chứng nhưng chúng vẫn bắt giữ cô, dùng hết mọi thủ đoạn tra tấn dã man để khai thác tài liệu bí mật. Chúng đã lột trần cô ngâm vào bể nước lã từ sáng đến trưa khi mà nhiệt độ ngoài trời hạ xuống 7, 8 độ. Không khuất phục được người con gái kiên trung, chúng lại sai lính lấy nước đá đập nhỏ bỏ vào bể nước tiếp tục ướp cô đến chiều. Vậy mà cô nhất định không khai, nhờ lòng yêu nước, ý chí kiên cường, trung kiên mới giúp cô vượt qua được tất cả khổ nhục trần gian như thế. Không tìm được bằng chứng buộc tội, sau đó địch buộc phải thả cô.
Ra tù cô lại tiếp tục hoạt động cách mạng, cô mở một quán cơm bình dân ở ngay gần Thành Vinh, người dân hay gọi là quán cơm cô Thanh, mục đích chính của cô là để tiếp cận lính khố xanh đang đóng ở đó để khai thác bí mật của thực dân Pháp và mua vũ khí để tiếp tế cho nghĩa quân Đội Phấn, Đội Quyên.
Có một thời gian, địch tung tin cô Thanh có thai với sĩ quan lữ đoàn lính khố xanh đang đóng trong thành Vinh, để bôi nhọ và gây khó khăn, cản trở cho cô.
Thế nhưng đến năm 1918 khi cô Thanh tổ chức lấy trộm súng, bị bắt trói vào tổng đốc An Tĩnh lúc đó là Tôn Thất Đạm, y đã phải thốt lên kinh ngạc “Người ta chửa đẻ ra con, còn mày chửa đẻ ra súng”. Lần này dù bị tra tấn dã man nhưng cô vẫn cương quyết không khai, cô bị kết án 100 trượng, 9 năm tù khổ sai 9 năm và đày cách quê hương 300 dặm.
Ngày 2/12/1918 cô Thanh bị giải vào nhà lao Quảng Ngãi. Án sát tỉnh Quảng Ngãi lúc này là Phạm Bá Phổ. Vào tù tại Quảng Ngãi được ít lâu, cô Thanh nghe tin vợ Phạm Bá Phổ bị bệnh tắc sữa, không thể cho con bú, đã mời nhiều người mà không chữa trị được, cùng cảnh phụ nữ, cô Thanh rủ lòng thương đã ra tay chữa trị cho vợ Phạm Bá Phổ, sau đó vài ngày người phụ nữ này đã khỏi bệnh và có sữa cho con bú bình thường.
Từ đó Phạm Bá Phổ rất kính nể cô Thanh, thấy cô Thanh thông minh, gan dạ, lại có nhiều tài nên Phạm Bá Phổ đã đón cô về nhà riêng làm gia nhân kiêm gia sư cho con trai đầu của mình là Phạm Bá Nguyên. Nhờ khả năng cảm hóa và thuyết phục của mình, cô đã giác ngộ cho Phạm Bá Nguyên, tính cách con người Nguyên được ảnh hưởng khá nhiều từ phương pháp dạy dỗ của cô Thanh, sau này Nguyên tham gia tích cực trong các hoạt động cứu nước và được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.
Tháng 9/1930, khi phong trào Xô Viết Nghệ – Tĩnh bước vào cao trào, thực dân Pháp ra lệnh cách chức Tổng đốc An Tĩnh của Nguyễn Khoa Kỳ, bổ nhiệm Phạm Bá Phổ ra thay thế nhằm trấn áp phong trào cách mạng ở xứ Nghệ. Làng Sen, quê hương cô là một trong những địa điểm bị chú ý. Phạm Bá Phổ đã về tận làng để trấn áp những người cách mạng. Với lòng dũng cảm và lòng yêu mến quê hương tha thiết, cô đã lặn lội về quê tìm cách thuyết phục, can ngăn, buộc Phạm Bá Phổ không thực hiện được ý đồ.
Chuyến di chuyển hài cốt mẹ về quê nhà đầy hiểm nguy
Trong thời gian được chuyển ra Huế cùng gia đình Nguyễn Bá Phổ, khoảng tháng 10 năm Nhâm Tuất 1922, nữ sĩ Bạch Liên suy nghĩ nếu cứ để mẹ mình đơn côi, xa quê hương 400km thì lòng dạ cô không yên. Nên cô đã tìm cơ hội cùng với mấy người bạn gái thân thiết bí mật đưa hài cốt mẹ về quê.
Đây quả là chuyến đi mạo hiểm, gian nguy bởi cô vẫn đang trong thời gian bị quản thúc ở Huế, nếu trên đường đi mà bị phát hiện thì tính mạng cô sẽ gặp nguy hiểm. Thế nhưng lòng hiếu thảo của người con đối với mẹ đã không thể cản bước được cô.
Cô đã đào lấy hài cốt bà Loan, dùng nước thơm từ gỗ quý rửa sạch, gói vào tấm lụa đẹp, cho vào túi giống tay nải của khách bộ hành, rồi đi bộ theo đường thiên lý Nam – Bắc, cứ ngày đi tối nghỉ, khi vào nhà ai ngủ nhờ thì túi hài cốt treo ngoài bụi rậm, trước đó hài cốt đã được tẩm nước trầm hương nên các loại động vật dù có khứu giác nhạy bén như chó cũng không đánh hơi được, ròng rã hơn hai tuần mới về đến quê hương Kim Liên. Quả thật với tập tục hồi đó thì đưa một bộ hài cốt đi xa là điều không dễ dàng gì, chưa nói đến thân phận cô Thanh lúc đó đang bị quản thúc. Chuyến đi bí mật đầy rẫy hiểm nguy đã thành công tốt đẹp nhờ trí thông minh và dũng khí mãnh liệt vượt qua bao cửa ải giặc của người người con gái chí hiếu được bà con lối xóm đánh giá là một việc làm phi thường lúc bấy giờ.
Luôn mang bên mình kỷ vật của mẹ
Sau này khi đã có tuổi cô yên phận ở quê nhà, nhà văn Sơn Tùng, thương binh 1/4, người có nhiều tác phẩm rất hay và chi tiết về Bác và gia đình Bác là người có nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện thân tình với bà Nguyễn Thị Thanh, ông có thắc mắc không thấy bà Thanh không ăn trầu, mà sao lúc nào cũng giữ ống bình vôi bên cạnh thì được bà trả lời:
“Ông bình vôi này là vật thiêng của mẹ o để lại. Năm 1922, sau lúc o được ra tù, o đã đi vào Huế, bí mật đưa hài cốt mẹ o về Nam Đàn. Khi mẹ o qua đời, o không có mặt để chịu tang, chỉ có mình cậu Thành và em út. Nay khi bốc mộ mẹ, o mới biết ngày chôn cất mẹ o, bà con ở thành nội đã chôn theo chiếc bình vôi mà thường ngày mẹ o lấy vôi để ăn trầu. Nay cải táng, bác Cả Khiêm lo việc phần mộ, o xin giữ lại chiếc bình vôi này để o đỡ nhớ mẹ, bõ những ngày không được ở bên mẹ o. Cháu biết không, khi mẹ o ở Huế, cha mẹ o để o phải về Nam Đàn chăm sóc ông bà ngoại. O xa mẹ, o nhớ lắm cháu ơi! Ai không được gần mẹ, thiệt thòi lắm cháu ơi!”.
Những câu nói day dứt mà thấm thía đến thế của 1 người con cả với thuở niên thiếu sống xa mẹ, lớn thì mất mẹ sớm, thèm hơi ấm mẹ, thèm ở cạnh mẹ sao mà chua xót đến thế.
Nhà văn Sơn Tùng còn 1 câu hỏi nữa, cũng là câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc: “vì sao cô không xây dựng gia đình?”
Bà Thanh trầm tư u uẩn, nhìn vào cõi xa xăm như không muốn nói, nhưng như nuốt những đau đớn vào trong, bà kể rằng: “Khi bị bắt, chúng khám thấy trong người và dưới vạt giường nằm của o có giấu súng, chúng còn biết o là con gái của Nguyễn Sinh Sắc, chị gái của Nguyễn Ái Quốc – người vừa gây tiếng vang lớn trên diễn đàn các nguyên thủ quốc gia ở Vécsai nước Pháp, chúng rất căm giận. Mọi ngón đòn tra tấn, đánh đập, o chỉ nhận về mình, không khai bất kỳ chi tiết nào liên quan đến đồng chí mình. Một hôm để khuất phục o, bắt o phải khai, chúng dùng một chiếc mâm đồng, đặt lên lò than nung đỏ rực, lột trần bà ra, rồi đẩy bà ngồi bệt vào chiếc mâm nóng đỏ đó. Thịt da cháy xèo xèo, đến xương, tủy, o ngất đi. Sau đó nhiều tháng, nhờ sự thương cảm của các bạn tù, o tự chữa bệnh bằng một số thứ thuốc nam kiếm được, vết thương lành, nhưng toàn bộ phần thịt cháy nham nhở, lồi lõm và luôn luôn tấy đỏ, đau đớn, mặc cảm hằng ngày. O không nghĩ đến việc lấy chồng.”
Cuộc hội ngộ của chị em Bác Hồ
Cuộc đời bà Thanh cũng không thể quên dấu mốc khi bà biết đích thực Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là em trai mình, năm 1946 cô đã bắt xe từ Vinh ra Phủ chủ tịch ở Hà Nội để thăm em, sau đó trở về làng Sen sống trọn đời công dân mẫu mực, chan hòa với bà con hàng xóm. Đó là cuộc hội ngộ của hai chị em sau mấy chục năm xa cách, đồng thời cũng là lần gặp cuối cùng của hai chị em trên cõi đời này.
Do tuổi già, sức yếu, bệnh tình quá nặng, bà Nguyễn Thị Thanh- Bạch Liên nữ sĩ, bông sen trắng ngát hương của Làng Sen, sống cả cuộc đời thanh cao giống như cái tên mà cha mẹ đã đặt cho, hy sinh lợi ích riêng cho gia đình, cho đất nước đã qua đời vào tháng 3 năm 1954. Cuộc đời của bà Thanh là tấm gương sáng của người phụ nữ Việt Nam về đạo đức, phẩm chất cao quý và tấm lòng yêu nước sâu sắc. Chúng ta có quyền tự hào về Bạch Liên nữ sĩ!